Lạc nội mạc tử cung là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách cải thiện

Lạc nội mạc tử cung là một bệnh lý mãn tính phổ biến ở phụ nữ, xảy ra khi các tế bào nội mạc tử cung phát triển ngoài tử cung. Đây là nguyên nhân gây đau bụng kinh dữ dội, rối loạn tiêu hóa và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ về triệu chứng, nguyên nhân và cách cải thiện hiệu quả thông qua chế độ ăn uống, bổ sung dinh dưỡng và thay đổi lối sống.

Lạc nội mạc tử cung là gì?

Lạc nội mạc tử cung là một bệnh lý phụ khoa phổ biến, ảnh hưởng đến không ít phụ nữ. Đây là tình trạng nội mạc tử cung – lớp niêm mạc thường chỉ tồn tại bên trong buồng tử cung – phát triển sai vị trí, lan ra bên ngoài tử cung hoặc các khu vực trong vùng chậu. Trong chu kỳ kinh nguyệt, lớp niêm mạc này cũng bong tróc và tái tạo như thông thường. Tuy nhiên, thay vì được đào thải ra ngoài cơ thể, các mảng niêm mạc này có thể mắc kẹt trong tử cung hoặc đi ngược lên buồng trứng và các cơ quan lân cận, gây viêm nhiễm, đau đớn, thậm chí để lại biến chứng nghiêm trọng.

Lạc nội mạc tử cung thường phát triển âm thầm và khó nhận biết ở giai đoạn đầu. Đa số trường hợp chỉ được phát hiện khi bệnh đã diễn tiến nặng. Các triệu chứng phổ biến có thể gặp bao gồm: đau vùng chậu kéo dài, đau bụng dữ dội mỗi kỳ kinh nguyệt, khó chịu khi quan hệ tình dục… Tuy nhiên, những dấu hiệu này không đủ đặc trưng để nhận biết ngay từ đầu, dẫn đến việc nhiều phụ nữ chủ quan hoặc không đi khám.

Theo thống kê, có từ 6-10% phụ nữ trên toàn cầu mắc phải căn bệnh này. Tuy nhiên, thực tế con số này có thể cao hơn nhiều, bởi không ít người chưa nhận ra mình đang mắc bệnh. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, lạc nội mạc tử cung có thể gây biến chứng nguy hiểm như vô sinh hoặc thậm chí ung thư.

Nguyên nhân dẫn đến lạc nội mạc tử cung

Dù y học chưa xác định được nguyên nhân chính xác, các chuyên gia đã nhận diện một số yếu tố tiềm ẩn làm tăng nguy cơ mắc bệnh:

Kinh nguyệt trào ngược

Trong chu kỳ kinh nguyệt, máu kinh có chứa các tế bào nội mạc tử cung thay vì được đào thải ra ngoài, lại chảy ngược vào buồng trứng hoặc ống dẫn trứng, bám vào các cơ quan trong vùng chậu. Những tế bào này tiếp tục hoạt động như nội mạc tử cung, gây viêm nhiễm và tổn thương mô lân cận.

Biến đổi tế bào phúc mạc và tế bào phôi

Một số hormone hoặc yếu tố miễn dịch có thể khiến các tế bào phúc mạc biến đổi thành tế bào nội mạc tử cung. Bên cạnh đó, ở tuổi dậy thì, tế bào phôi thai dưới tác động của hormone estrogen cũng có thể trở thành tế bào nội mạc tử cung, gây ra bệnh.

Tổn thương sau phẫu thuật tử cung

Các cuộc phẫu thuật như mổ lấy thai hoặc phẫu thuật buồng trứng có thể để lại những vết sẹo. Nội mạc tử cung có thể bám vào vị trí sẹo này, phát triển và gây ra tình trạng lạc nội mạc tử cung.

Rối loạn hệ miễn dịch

Hệ miễn dịch bị suy yếu có thể không phát hiện và loại bỏ các tế bào nội mạc tử cung ở sai vị trí. Điều này tạo điều kiện cho các tế bào này tồn tại và phát triển, dẫn đến bệnh. Trong một số trường hợp hiếm, nội mạc tử cung còn có thể lan đến các khu vực khác ngoài vùng chậu.

Dấu hiệu và triệu chứng của lạc nội mạc tử cung

Phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung thường gặp một số triệu chứng sau:

  • Đau bụng kinh dữ dội: Cơn đau bắt đầu từ vài ngày trước kỳ kinh và kéo dài suốt chu kỳ. Đau bụng thường lan xuống vùng lưng dưới, khiến người bệnh khó tập trung vào công việc và sinh hoạt.
  • Đau khi rụng trứng: Đau nhói hoặc căng tức trong vùng bụng dưới vào giữa chu kỳ kinh nguyệt.
  • Đau khi quan hệ tình dục: Xảy ra trong hoặc sau khi quan hệ, đặc biệt khi lạc nội mạc nằm gần âm đạo.
  • Rối loạn tiêu hóa và tiểu tiện: Đau khi đi tiểu hoặc đại tiện, đặc biệt trong kỳ kinh nguyệt.
  • Mệt mỏi kéo dài: Do đau đớn và viêm nhiễm, người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng.
  • Khó thụ thai:Lạc nội mạc tử cung là một trong những nguyên nhân chính gây vô sinh ở phụ nữ do ảnh hưởng đến buồng trứng, ống dẫn trứng và quá trình làm tổ của phôi thai.

Cải thiện chế độ ăn uống và thói quen sống để cân bằng nội tiết

Mặc dù hiện nay chưa có biện pháp nào để ngăn ngừa hoàn toàn bệnh lý lạc nội mạc tử cung, nhưng chế độ ăn uống lành mạnh và thói quen sống sẽ giúp cân bằng nội tiết tố và giảm viêm nhiễm:

  • Nên ăn nhiều rau, trái cây, nguồn protein chất lượng tốt như hải sản, gia cầm, trứng.
  • Hạn chế tối đa lượng thịt đỏ, vì nó có thể làm tăng tình trạng viêm, làm cơn đau bụng kinh càng nặng hơn.
  • Giảm thiểu việc tiêu thụ đường, bột mì, rượu và bơ thực vật & những thực phẩm chế biến từ sữa bò, vì tất cả các thực phẩm này đều làm tăng tình trạng viêm trong cơ thể.
  • Một phần lượng progesterone được tạo ra là từ cholesterol. Do đó, nên bổ sung thực phẩm có chất béo tốt để kích thích sản xuất progesterone: Chất béo tốt có trong các loại hạt, cá chứa nhiều hàm lượng dầu (như cá hồi, cá mòi, cá cơm và cá thu), dầu ô liu nguyên chất, hạt lanh, trái bơ và dầu dừa hữu cơ.
  • Ngủ đủ giấc để giúp cơ thể điều tiết lượng melatonin. Nghiên cứu cho thấy melatonin có khả năng giảm thiểu những tổn thương lạc nội mạc tử cung.

Ngoài ra, việc bổ sung dưỡng chất cho cơ thể cũng rất là quan trọng trong quá trình cải thiện sức khỏe:

  • Dầu cá Omega-3 (DHA & EPA) có thể ngăn ngừa sự phát triển của lạc nội mạc tử cung.
  • Vitamin D & Selenium có tác dụng chống viêm trong cơ thể và cải thiện tình trạng rối loạn hệ thống miễn dịch, bao gồm cả lạc nội mạc tử cung.
  • Vitamin E giúp giảm mô sẹo và rất cần thiết cho quá trình lành vết thương. Vitamin E có trong dầu ô liu nguyên chất, các loại hạt và quả bơ.

Lạc nội mạc tử cung là một bệnh lý phụ khoa phổ biến, đặc biệt ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, và có mối liên hệ chặt chẽ với vấn đề vô sinh. Dù nguyên nhân chính xác vẫn chưa được xác định, việc phát hiện và điều trị sớm đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu các biến chứng, bảo vệ khả năng sinh sản và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nếu bạn nhận thấy các dấu hiệu bất thường hoặc có lo lắng về sức khỏe sinh sản, đừng ngần ngại tìm đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và tư vấn kịp thời. Ngoài ra, tại NTA HOUSE – Trung tâm chăm sóc sức khỏe toàn diện kết hợp Đông Y và khoa học hiện đại sẽ có những liệu trình chăm sóc sức khỏe sinh sản phù hợp với từng cá nhân hóa, mang đến sự an tâm và hạnh phúc cho bạn và gia đình trong quá trình cải thiện cân bằng nội tiết. 

(Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính tham khảo và không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.)

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *