Quy trình thụ tinh ống nghiệm (IVF) thực hiện như thế nào!

Thụ tinh ống nghiệm (IVF) là một phương pháp hỗ trợ sinh sản phổ biến, giúp những cặp vợ chồng gặp khó khăn trong việc mang thai có cơ hội thực hiện ước mơ làm cha mẹ. Nếu bạn đang tìm hiểu về phương pháp này, bài viết dưới đây NTA HOUSE sẽ giải thích chi tiết về thụ tinh ống nghiệmquy trình các bước làm IVF. Đồng thời, bạn cũng sẽ biết thêm cách chuẩn bị trước khi làm IVF để tăng cơ hội thành công.

Thụ tinh ống nghiệm là gì?

Thụ tinh trong ống nghiệm (In Vitro Fertilization – IVF) là phương pháp hỗ trợ sinh sản hiện đại dành cho các cặp vợ chồng hiếm muộn. Trong quá trình này, trứng và tinh trùng sẽ được kết hợp bên ngoài cơ thể, trong môi trường phòng thí nghiệm. Sau khi quá trình thụ tinh thành công, phôi thai được hình thành và sẽ được chuyển vào buồng tử cung của người phụ nữ. Tại đây, phôi sẽ làm tổ và phát triển thành thai nhi, giống như trong quá trình thụ thai tự nhiên.

Kỹ thuật IVF đặc biệt này cho phép tinh trùng và trứng gặp nhau trong một môi trường được kiểm soát. Tinh trùng sau khi được lọc và chuẩn bị sẽ được kết hợp với trứng trong đĩa thí nghiệm, và quá trình thụ tinh có thể diễn ra chỉ trong vài giờ. Trứng và tinh trùng kết hợp một cách tự nhiên, tạo thành phôi thai, từ đó tiếp tục phát triển trong cơ thể người mẹ.

Ai phù hợp với phương pháp IVF?

IVF là lựa chọn thích hợp cho các cặp vợ chồng gặp phải những vấn đề về sinh sản như:

  • Tắc ống dẫn trứng hoặc tổn thương nghiêm trọng
  • Lạc nội mạc tử cung gây khó khăn cho việc thụ thai
  • Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) hoặc các vấn đề khác về buồng trứng
  • U xơ tử cung hoặc các vấn đề liên quan đến tử cung
  • Số lượng hoặc chất lượng tinh trùng thấp
  • Vô sinh không rõ nguyên nhân
  • Nguy cơ di truyền bệnh lý
  • Sử dụng trứng hiến tặng hoặc phương pháp mang thai hộ

Các bước chuẩn bị trước khi làm IVF

Việc chuẩn bị trước khi làm IVF rất quan trọng để đảm bảo quá trình thụ tinh ống nghiệm diễn ra thuận lợi và tăng khả năng thành công. Một số bước chuẩn bị bạn cần lưu ý bao gồm:

  1. Khám sức khỏe tổng quát: Trước khi tiến hành IVF, cả hai vợ chồng cần thực hiện các xét nghiệm để đánh giá tình trạng sức khỏe, bao gồm xét nghiệm máu, kiểm tra hormon sinh sản và siêu âm.
  2. Tư vấn với bác sĩ chuyên khoa: Các bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng sinh sản của bạn, đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp và tư vấn các lựa chọn về phương pháp hỗ trợ sinh sản.
  3. Điều chỉnh lối sống: Tránh rượu, thuốc lá, và những thói quen không lành mạnh. Cần duy trì một chế độ ăn uống cân bằng và vận động hợp lý để tăng cường sức khỏe trước khi thực hiện IVF.
  4. Sử dụng thuốc kích thích buồng trứng: Trước khi lấy trứng, người phụ nữ sẽ được bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc để kích thích buồng trứng sản xuất nhiều trứng hơn bình thường.

Quy trình các bước làm IVF trong hành trình tìm con

Quy trình các bước làm IVF thường kéo dài từ 4 đến 6 tuần, bao gồm các giai đoạn chính sau:

1. Kích thích buồng trứng

Bạn sẽ được tiêm thuốc kích thích buồng trứng để tạo ra nhiều trứng hơn bình thường trong vòng 10-14 ngày. Sau đó sẽ siêu âm và xét nghiệm máu để theo dõi sự phát triển của các nang trứng.

2. Lấy trứng

Sau khi trứng đạt kích thước đủ lớn, bác sĩ sẽ thực hiện thủ thuật lấy trứng ra từ buồng trứng bằng một kim nhỏ qua âm đạo. Quy trình chọc hút trứng là quy trình có xâm lấn nên cần được thực hiện dưới sự gây mê nhẹ.

3. Thụ tinh

Tinh trùng của người chồng hoặc người hiến tặng được sàng lọc và chuẩn bị. Tinh trùng & trứng sau đó được đặt chung trong phòng thí nghiệm để khuyến khích thụ tinh.Trong một số trường hợp, tinh trùng sẽ được tiêm trực tiếp vào trứng (ICSI).

4. Nuôi cấy phôi

Khi các trứng đã thụ tinh (gọi là phôi) sẽ được tiếp tục theo dõi trong khoảng 3-5 ngày để đảm bảo sự phát triển của phôi, và các phôi khỏe mạnh sẽ được chọn để chuyển vào tử cung của người mẹ.

5. Chuyển phôi

Phôi được đưa vào tử cung qua đường âm đạo bằng một ống thông nhỏ. Bạn sẽ nghỉ ngơi và chờ đợi để xem phôi có bám vào tử cung và phát triển hay không.

6. Kiểm tra thai

Sau khi cấy phôi khoảng 10 -14 ngày, bạn sẽ được theo dõi qua xét nghiệm máu để kiểm tra sự phát triển của thai. Nếu mọi thứ suôn sẻ, bạn sẽ tiếp tục theo dõi thai kỳ qua siêu âm.

Cần làm gì sau khi IVF?

Sau khi thực hiện thụ tinh ống nghiệm – IVF, bạn cần nghỉ ngơi và theo dõi sức khỏe để đảm bảo quá trình chuyển phôi diễn ra thuận lợi:

  • Nghỉ Ngơi: Sau khi chuyển phôi, bạn cần nghỉ ngơi và cho cơ thể thời gian phục hồi. Tránh làm việc nặng và căng thẳng trong thời gian này.
  • Theo Dõi Sức Khỏe: Tiếp tục theo dõi sức khỏe của bạn và tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, cần liên hệ ngay với bác sĩ.
  • Kiểm Tra Thai: Sau khi chuyển phôi, bạn cần thực hiện các xét nghiệm để kiểm tra thai và theo dõi sự phát triển của thai nhi. Một số triệu chứng như chướng bụng, đau ngực hoặc chảy máu nhẹ có thể xảy ra nhưng là dấu hiệu bình thường.

Lưu ý: Bạn sẽ có thể có những triệu chứng nhẹ như chướng bụng, đau ngực và chảy máu nhẹ. Tùy vào trường hợp của mỗi người có thể khác nhau và bạn cần tuân theo hướng dẫn cụ thể từ bác sĩ của bạn nhé.

Thụ tinh ống nghiệm là một phương pháp giúp nhiều cặp vợ chồng vượt qua khó khăn về mong con. Để có kết quả thành công cao nhất, việc chuẩn bị trước khi làm IVF và tuân thủ quy trình các bước làm IVF là rất quan trọng. Nếu bạn đang có kế hoạch thực hiện IVF, hãy tìm hiểu thật kỹ và tư vấn với các chuyên gia để đảm bảo mọi điều kiện đều tối ưu nhất cho hành trình tìm con của bạn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *