Dự trữ buồng trứng thấp – Nguyên nhân và cách phòng ngừa 2025

Chỉ số dự trữ buồng trứng thấp đang là nỗi lo của nhiều phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, đặc biệt đối với những ai đang có kế hoạch mang thai. Việc hiểu rõ nguyên nhân và cách phòng ngừa giúp bảo vệ sức khỏe sinh sản một cách toàn diện và hiệu quả. Bài viết này cung cấp các thông tin đối chiếu chi tiết nhất để giúp bạn duy trì khả năng sinh sản trong năm 2025 và những năm tiếp theo.

Dự trữ buồng trứng là gì?

Dự trữ buồng trứng, hay còn gọi là chỉ số AMH (Anti-Mullerian Hormone), là một chỉ số sinh hóa quan trọng phản ánh số lượng nang noãn non có trong buồng trứng của phụ nữ. Nồng độ AMH sẽ giảm dần theo tuổi tác, điều này góp phần làm suy giảm khả năng sinh sản của nữ giới.

Mỗi bé gái khi sinh ra đã có một số lượng nang noãn nhất định trong hai buồng trứng. Trong giai đoạn bào thai, các tế bào mầm sinh dục phát triển và hình thành tế bào noãn nguyên thủy, sau đó được bao bọc bởi các tế bào sinh dưỡng để tạo thành các nang noãn nguyên thủy.

Dự trữ buồng trứng thấp là gì?

Dự trữ buồng trứng thấp được xác định khi tổng số nang thứ cấp siêu âm vào ngày thứ hai của chu kỳ kinh nguyệt dưới 5, hoặc chỉ số AMH thấp hơn 2,2 ng/ml (tùy thuộc vào độ tuổi). Chỉ số AMH cao nhất thường gặp ở độ tuổi từ 25 đến 30 và sẽ giảm dần theo thời gian. Dự trữ buồng trứng tốt đồng nghĩa với khả năng sinh sản cao hơn.

Nguyên nhân chỉ số AMH thấp

Có mối liên hệ nghịch giữa khả năng sinh sản và tuổi tác: khi tuổi càng cao, dự trữ buồng trứng càng giảm. Tuy nhiên, ngày càng nhiều phụ nữ trẻ gặp tình trạng suy buồng trứng sớm do nhiều nguyên nhân, bao gồm:

  • Điều trị y tế: Phẫu thuật như cắt buồng trứng, bóc u, hoặc các can thiệp liên quan đến nội mạc tử cung.
  • Lối sống không lành mạnh: Uống rượu, hút thuốc, sử dụng chất kích thích, thiếu ngủ, và căng thẳng kéo dài.
  • Xạ trị và hóa trị.
  • Sử dụng thuốc tránh thai thường xuyên.
  • Viêm nhiễm phụ khoa và nạo phá thai nhiều lần.
  • Ô nhiễm môi trường.
  • Yếu tố di truyền và chủng tộc.

Triệu chứng thường gặp

Dự trữ buồng trứng thấp, hay suy buồng trứng, là một trong những nguyên nhân chính gây vô sinh ở phụ nữ trẻ. Tình trạng này có thể xảy ra ở những phụ nữ sau tuổi dậy thì và trước 40 tuổi, với các triệu chứng như:

  • Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt: Vô kinh hoặc thiểu kinh.
  • Thiếu hụt estrogen: Có thể dẫn đến loãng xương, viêm âm đạo do teo, và giảm ham muốn tình dục.
  • Thay đổi tâm trạng: Bao gồm trầm cảm và lo âu.
  • Các triệu chứng tương tự mãn kinh: Chóng mặt, buồn nôn, mất ngủ, cơn bốc hỏa, vã mồ hôi đêm, dễ kích thích, khó tập trung, đau khi quan hệ tình dục, khô âm đạo, và mất khả năng sinh sản.

Các triệu chứng này có thể biểu hiện khác nhau ở từng người, và việc nhận biết sớm là rất quan trọng để có biện pháp can thiệp kịp thời.

Chỉ số AMH thấp ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ra sao?

Phụ nữ có dự trữ buồng trứng thấp thường đối mặt với nguy cơ mãn kinh sớm hơn và giảm khả năng thụ thai tự nhiên. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng còn phụ thuộc vào độ tuổi. Chẳng hạn, phụ nữ dưới 35 tuổi dù có AMH thấp vẫn có cơ hội thụ thai cao hơn so với những người trên 40 tuổi. Đây chính là lý do các chuyên gia khuyến cáo những trường hợp AMH thấp cần được chẩn đoán và điều trị sớm để tối ưu hóa cơ hội thành công.

Theo chia sẻ của các bác sĩ hiện nay có nhiều trường hợp bệnh nhân có chỉ số AMH rất thấp, thậm chí dưới 0.08 – gần như không còn dự trữ trứng. Với những bệnh nhân này, bệnh viện sẽ phải áp dụng phương pháp kích thích buồng trứng nhẹ nhàng và gom trứng theo từng chu kỳ. Dù ban đầu chỉ thu được 1-2 trứng, nhưng qua các lần kích thích liên tiếp, số lượng trứng có thể tăng dần, mang lại hy vọng mới cho bệnh nhân.

Phòng ngừa suy giảm dự trữ buồng trứng

Hiện chưa có phương pháp nào làm tăng số lượng trứng tự nhiên trong buồng trứng. Tuy nhiên, để phòng ngừa hay duy trì chỉ số dự trữ buồng trứng thấp ở mức hiện tại  thì chị em cần chú ý những yếu tố sau:

  • Duy trì lối sống lành mạnh: Ăn uống sạch, tập thể dục đều đặn, ngủ đủ giấc.
  • Tránh thực phẩm chế biến, đồ uống kích thích.
  • Khám sức khỏe sinh sản định kỳ để phát hiện sớm các bất thường.

Tuổi tác là yếu tố chủ đạo ảnh hưởng đến dự trữ buồng trứng. Chỉ số AMH bắt đầu giảm mạnh sau 35 tuổi, khiến khả năng thụ thai tự nhiên suy giảm nhanh chóng.

Ngoài ra, đối với những phụ nữ chưa sẵn sàng mang thai, trữ trứng là giải pháp an toàn, giúp bảo tồn cơ hội sinh sản trong tương lai. Bạn nên tham khảo những bệnh viện uy tín hiện nay như Từ Dũ, Hùng Vương, Tâm Anh…

Chỉ số AMH thấp không phải dấu chấm hết cho hành trình làm mẹ. Với các tiến bộ y học ngày nay, phụ nữ vẫn có thể hiện thực hóa ước mơ có con bằng chính nỗ lực của mình và sự hỗ trợ từ các chuyên gia. Điều quan trọng là cần thăm khám sớm và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng cụ thể.

Hy vọng với nguồn thông tin NTA HOUSE chia sẻ trên sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về về dự trữ buồng trứng thấp, nguyên nhân và cách phòng ngừa. Nếu bạn cần được tư vấn thêm về sức khỏe sinh sản, đừng ngần ngại để lại thông tin ngay trong phần bình luận dưới đây để được chuyên gia của chúng tôi tư vấn nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *